Trong thế giới hiện đại, càng ngày càng có nhiều người trở nên stress vì công việc, học tập và nhiều thứ khác. Yoga gia nhập vào Việt Nam như một phương pháp luyện tập không chỉ mang lại sức khỏe mà còn giúp tâm trí được thoải mái.
Sơ lược về Yoga – phương pháp luyện tập lâu đời của Ấn Độ
Yoga là một họ những phương pháp luyện tập về cả tâm trí và cả thể chất. Những phương pháp này đã ra đời từ thời cổ xưa được bắt nguồn từ Ấn Độ. Và rất nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng Yoga có liên quan đến thế giới tâm linh của Ấn Độ.
Yoga ngày nay đã trở thành một môn thể thao giúp luyện tập cả thể chất lẫn tinh thần. Những người luyện tập Yoga đòi hỏi phải có cơ thể linh hoạt, dẻo dai. Yoga cũng như các môn thể thao khác có các bài tập, tư thế từ cơ bản đến nâng cao. Vì vậy mọi người từ già đến trẻ, trai hay gái đều có thể tập Yoga.
Tám cấp của Yoga cổ điển
Trong Yoga cổ điển có 8 cấp, mỗi cấp có những đặc thù riêng của nó. Hai cấp đầu liên quan đến việc giữ các giới luật, ba cấp tiếp theo nói đến việc luyện tập thân thể và ba cấp cuối hướng dẫn chúng ta cách trau dồi tâm thức.
1. Yama: đề cập đến các tiêu chuẩn giúp người luyện tập kiểm soát hành vi bản thân không phạm đến những điều trái đạo đức. Có 5 Yamas là:
- Ahimsa: Không bạo lực
- Satya: Thành thật
- Asteya: Không trộm cắp
- Brahmacharya: Tiết dục
- Aparigraha: Không tham lam
2. Niyama: liên quan đến tính tự giác và đức tin. Thường xuyên đi nhà thờ (nếu bạn là người Công giáo) hoặc đi chùa (nếu bạn là người bên Phật Giáo). Cầu nguyện hoặc thực hiện phương pháp thiền cá nhân của riêng bạn. Có 5 Niyamas là:
- Saucha: Sự sạch sẽ
- Samtosa: Sự toại nguyện
- Tapas: Sự khổ hạnh/khổ luyện mang tính tâm linh
- Svadhyaya: Đọc thánh thư và tự suy niệm về bản thân
- Isvara pranidhana: Thờ phụng thượng đế
3. Asana: là các tư thế Yoga. Theo quan điểm Yoga thì thân thể như một ngôi đền tinh thần, chăm sóc cơ thể là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển tâm linh trong mỗi người. Và asana cũng là một bước cần thiết của thiền định.
4. Pranayama: dịch thoát nghĩa thì là “sự gia tăng sức sống”, đây được xem là cấp để luyện tập hơi thở. Việc thông suốt quá trình hô hấp giúp bạn nhận ra mối liên kết giữa hơi thở, tâm trí và cảm xúc. Bạn có thể luyện tập cấp này với việc chỉ ngồi một chỗ và tập hít thở hoặc kết hợp với vài tư thế ở cấp asana ở trên.
5. Pratyahara: được hiểu nôm na theo nghĩa “hủy đi cảm xúc”. Ở cấp này đòi hỏi các bạn phải nỗ lực và ý thức được những cám dỗ bên ngoài. Việc này giúp chúng ta quan sát một cách khách quan về thói quen xấu gây hại cho cơ thể và từ đó loại bỏ chúng.
6. Dharana: đây là cấp đầu tiên trong 3 cấp về trau dồi tâm trí. Dharana sẽ giúp bạn luyện tập sự tập trung, giải quyết những xao lãng trong tâm trí. Việc tập trung sự chú ý vào một điểm duy nhất kéo dài tự nhiên sẽ dẫn đến thiền định.
7. Dhyana: sau khi luyện tập được sự tập trung thì cấp tiếp theo là thiền định hay chiêm nghiệm. Ở giai đoạn này, sự tập trung của bạn đã đạt đến cao độ và không bị tác động bơi một hoạt động tâm thức nào khác.
8. Samadhi: cấp cuối cùng của trau dồi tâm trí đó là Samadhi. Samadhi được xem là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nếu đạt được cấp này, bạn có thể thấy được những thứ thuộc về tâm linh, về tạo hóa. Giai đoạn cuối này để đạt được đòi hỏi sự tận tâm không ngừng nghỉ trong việc luyện tập.
Yoga là bộ môn thể thao, phương pháp luyện tập về thể chất cũng như tâm trí. Những lợi ích mà Yoga đem lại cho người luyện tập rất nhiều. Nếu bạn luyện tập Yoga hãy thật kiên trì tập từng bước từ cơ bản đến nâng cao, khi đó bạn sẽ đạt được kết quả như mong muốn.