Mặc dù là loại hình trông có vẻ nhẹ nhàng nhưng Yoga thực tế cũng khá khắt khe. Cũng như mọi môn thể thao khác, Yoga cũng có những lưu ý cần thiết cho những người mới bắt đầu.
Những điều cần lưu ý khi tập Yoga cho người mới bắt đầu
Cần chọn cho mình một trường phái Yoga phù hợp
Vì Yoga được chia thành nhiều trường phái khác nhau như Hatha Yoga, Bikram Yoga, Vinyasa Yoga,… với các yêu cầu và mục đích khác nhau về sức khỏe, tinh thần, vóc dáng,… Vì vậy, bạn cần xác định rõ mục đích tập và hỏi kỹ người hướng dẫn nhằm chọn ra loại hình phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất bạn.
Xem thêm: Tìm hiểu về các trường phái Yoga (Phần 1)
Tìm hiểu về các trường phái Yoga (Phần 2)
Giáo viên hướng dẫn, sự hướng dẫn phù hợp
Đối với các bạn mới bắt đầu, tìm cho mình một người có đủ kinh nghiệm để chỉ dẫn bạn từ các động tác cơ bản đến nâng cao, giúp bạn không bị chấn thương là điều rất quan trọng. Bạn cần trao đổi với giáo viên về các vấn đề của bạn như đau lưng, đau đầu hay cải thiện vóc dáng để từ đó giáo viên sẽ hướng dẫn các bài tập phù hợp, giúp việc luyện tập đạt hiệu quả cao hơn.
Thời gian tập luyện
Thời gian luyện tập tốt nhất là buổi sáng sớm hoặc tối muộn. Tập vào sáng sớm sẽ giúp cơ thể tỉnh táo, tích trữ năng lượng cho một ngày làm việc. Tập vào tối muộn sẽ giúp cơ thể thư giãn, giấc ngủ trở nên chất lượng hơn. Đây là các thời điểm lý tưởng cho bạn lựa chọn. Bạn nên tìm hiểu thật kĩ thời gian tập thích hợp để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình tập luyện.
Xem thêm: Tập Yoga buổi sáng, chiều hay tối là tốt nhất?
Không gian tập phù hợp
Yoga là loại hình chú trọng vào việc hít thở, tập trung vào thoải mái tinh thần và cải thiện sức khỏe. Vậy nên, việc lựa chọn cho mình một không gian tập yên tĩnh, thoáng mát, rộng rãi và trong lành cũng là điều cần thiết để đạt hiệu quả cao trong luyện tập.
Đọc vài quyển sách về Yoga
Đọc sách về Yoga nghe khá hay đúng không nào? Ngoài việc tập luyện tại các trung tâm thì việc đọc sách cũng có thể giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn về các động tác từ cơ bản đến nâng cao. Từ đó, cải thiện các kỹ năng thanh lọc cơ thể, tăng cường độ dẻo dai,… Các cuốn sách có thể tìm đọc như: “Kỹ thuật và thực hành Yoga toàn tập” (tác giả B.K.S.Iyengar), “Yoga và thiền định” (tác giả Nawami), “Yoga – Tinh thần và thể chất” (tác giả Minh Quang & Thanh Châu),…
Không nên mạo hiểm với các động tác khó
Bạn muốn nhanh đạt hiệu quả hơn mà nôn nóng thực hiện các động tác khó và tập luyện điên cuồng. Sự vội vàng và nôn nóng đó sẽ không giúp bạn đạt mục tiêu nhanh hơn đâu. Nó sẽ gây cho bạn các chấn thương, làm mất ngủ thậm chí còn dễ cáu gắt nữa. Khi đến với bộ môn này, bạn phải xác định mục tiêu của bản thân. Chú ý an toàn là trên hết và lắng nghe cơ thể muốn gì. Hãy tập đúng trình tự từ cơ bản đến nâng cao để đạt được hiệu quả tốt nhé.
Chú tâm vào động tác của mình, không so sánh mình với người khác
Thay vì tập trung vào chính mình, bạn lại so sánh khả năng của mình với những người xung quanh mà không nghĩ rằng mỗi người đều sở hữu một điều kiện sức khỏe và thể trạng hoàn toàn khác nhau. Hãy thay đổi quan niệm này đi vì khi bạn so sánh kết quả của bản thân với người khác sẽ khiến bạn tiêu cực, tự ti về bản thân, sinh lòng ghen tị với người khác. Điều này không tốt cho sức khỏe, nó chỉ khiến bạn bị áp lực và tổn hại tinh thần hơn thôi. Hãy thong thả và tập trung vào quá trình của chính mình, tin tưởng rằng nếu bạn siêng năng và luyện tập thường xuyên thì chắc chắn sẽ tiến bộ và đạt được mục tiêu.
Ngưng tập nếu có triệu chứng bất thường
Người mới tập thường sẽ gặp một số triệu chứng như đau ngực, nhịp tim không đều, thở dốc, choáng váng hay chóng mặt thì nên ngưng tập ngay và xin ý kiến giáo viên để điều chỉnh phù hợp. Bạn hãy tập trung vào hơi thở và lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn khi tập.
Phụ kiện đạt tiêu chuẩn và vệ sinh thảm thường xuyên
Chắc hẳn bạn cũng biết thảm tập Yoga là công cụ cần thiết hỗ trợ cho các động tác giúp bạn không đau khi tiếp xúc với sàn và không trượt với các tư thế khác nhau. Vì vậy bạn nên sở hữu một chiếc thảm tập chất lượng tốt và độ bám cao nhé. Vệ sinh nó thường xuyên bằng cách pha loãng xà phòng, dùng khăn mềm lau bề mặt thảm sau đó dùng khăn ướt lau lại vài lượt cho hết xà phòng. Lưu ý bạn nên phơi thảm ở chỗ râm tránh phơi trực tiếp dưới nắng và lặp lại khi thảm bẩn.
Phải tập luyện thường xuyên, đều đặn
Với các bạn mới bắt đầu thường rất hăng hái nhưng ngay sau vài buổi tập vì bận rộn, căng thẳng nên việc tới lớp Yoga bị hoãn lại vô thời hạn. Sau đó một thời gian, bạn mới quay lại thì lúc này cơ thể cứng đơ rất khó để tập luyện được như trước. Vì vậy, nếu đã quyết tâm tập thì bạn nên theo đến cùng nhé.
Kiên nhẫn, lắng nghe và cảm nhận cơ thể mình
Điều bạn cần khi đến với Yoga là tập trung hít thở, kiên nhẫn luyện tập, lắng nghe và cảm nhận cơ thể mình muốn gì chứ đừng gượng ép cơ thể thực hiện một một tư thế nào đó. Hãy từ từ thực hiện từng động tác và sau khi kết thúc bạn nên vào luôn tư thế thư giãn hoặc hồi phục. Thời gian thư giãn này sẽ giúp bạn kết hợp và tiếp nhận các lợi ích của việc tập Yoga.
Chế độ ăn khoa học, phù hợp
Trước khi tập Yoga, bạn nên để ruột và bàng quang rỗng, đừng bao giờ tập ngay khi vừa ăn xong. Hãy chờ ít nhất là 2 giờ sau khi ăn hãy bắt đầu luyện tập. Sau khi tập xong, bạn lưu ý không nên ăn ngay nha đợi ít nhất là 30 phút rồi bắt đầu ăn. Về khẩu phần ăn, bạn nên chọn thực phẩm lành mạnh, ăn với lượng vừa để kiểm soát lượng thức ăn nạp vào.
Những điều lưu y này không chỉ dành cho người mới bắt đầu mà còn là lời nhắc nhở với những bạn đang theo luyện tập Yoga. Hãy cố gắng ghi nhớ những lưu ý, nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình tập luyện.