Tennis (hay quần vợt) là một môn thể thao đang có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện nay có khá nhiều sân Tennis được xây dựng trên khắp các khu vực, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Các sân Tennis ở Việt Nam hầu hết được làm từ nền cứng hoặc thảm.
Kích thước chuẩn quốc tế của sân Tennis
Dựa theo các quy định của Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) thì sân Tennis chuẩn quốc tế phải có hình chữ nhật, bề mặt sân bằng phẳng để đảm bảo độ ổn định cho đường bay của bóng sau khi nảy đập đất. Đối với kích thước chuẩn thì sẽ khác nhau theo hai thể loại đánh đôi và đánh đơn. Khu vực giới hạn của hai thể loại (đơn, đôi) sẽ được phân chia theo các vạch kẻ sơn trên bề mặt sân.
- Kích thước sân Tennis đánh đơn chuẩn quốc tế là 23,77m x 8,23m (dài x rộng).
- Kích thước sân Tennis đánh đôi chuẩn quốc tế là 23,77m x 10,97m (dài x rộng).
Lưới và cột lưới dùng trong Tennis
Kích thước sân sẽ được chia đôi thành hai phần bằng nhau theo chiều dài bằng một tầm lưới căng ngang ở giữa và song song với hai đường biên ngang giới hạn cuối sân. Chiều cao của lưới Tennis ở giữa là 0,914m và 1,07m ở hai cột lưới.
Cột lưới (hay trụ lưới) sẽ được thiết kế theo hình trụ tròn (đường kính 15cm) hoặc trụ vuông (chiều dài cạnh 15cm). Chiều cao cột lưới sẽ cao hơn mép lưới tối đa 2,5cm. Tâm cột lưới sẽ được đặt cách đường biên dọc mỗi bên 0,914m.
Các đường kẻ giới hạn trên sân Tennis
Chu vi của sân sẽ được bao bằng hai đường biên dọc song song và vuông góc với hai đường biên ngang.
Đường kẻ giới hạn phần sân thi đấu hai bên nằm ở chính giữa có độ rộng 5cm và vuông góc với đường biên dọc.
Đường kẻ giao bóng sẽ song song với lưới và cách lưới 6,4m. Đường kẻ giới hạn giao bóng bắt đầu từ trung điểm và kéo vuông góc lên đến giữa lưới với độ rộng 5cm.
Từ trung điểm của đường biên ngang cuối sân kẻ một đường vuông góc có độ rộng 5cm và dài 10cm hướng vào trong sân, đường này được gọi là vạch mốc giao bóng.
Tất cả các đường kẻ giới hạn trên sân Tennis phải có độ rộng trong khoảng từ 2,5cm đến 5cm và cùng một màu để dễ phân biệt.
Quy định của lưới căng Tennis
Lưới phải được căng ở chính giữa chia sân thành hai phần bằng nhau. Dây căng lưới thường sẽ sử dụng dây thừng hoặc một sợi dây kim loại có đường kính tối đa 0,8cm và được buộc vào cột lưới. Lưới phải được căng sát vào hai cột lưới, cạp lưới màu trắng, bản rông không nhỏ hơn 5cm và không lớn hơn quá 6,35cm.
Các loại sân Tennis phổ biến nhất hiện nay
Việc phân chia sân Tennis hiện nay được dựa trên nguyên liệu cấu tạo nên bề mặt sân. Mỗi một bề mặt sẽ mang lại độ nảy và tốc độ bóng khác nhau từ đó ảnh hưởng đến lối chơi của từng người. Từ đó, sân Tennis thường được chia thành 6 loại chính.
Sân Tennis đất nện
Đây là loại sân Tennis rất được ưa chuộng tại Pháp và Tây Ban Nha. Nếu bạn là một người thường xuyên theo dõi Tennis có lẽ cũng không quá xa lạ với cái tên Rafael Nadal, ông vua sân đất nện là một tay vợt người Tây Ban Nha.
Sân đất nện thường có màu đỏ gạch và đem lại độ nảy cũng như tốc độ bóng thấp. Vì vậy mà thi đấu trên sân đất nện đòi hỏi người chơi phải có thể lực tốt vì sẽ phải chạm bóng nhiều hơn. Thi đấu trên mặt sân đất nện cũng giúp cho người chơi di chuyển ít hơn vì họ có thể trượt để cứu bóng. Mặt sân đất nện thích hợp với người chơi thích đánh ở cuối sân thay vì lên lưới và đòi hỏi sự kiên nhẫn vì một điểm đánh khá chậm và lâu.
Sân Tennis nền cứng
Sân Tennis nền cứng có thể được thiết kế từ nhiều chất liệu khác nhau như xi măng hoặc từ nhiều lớp cao su mỏng trộn với cát rồi đổ lên bề mặt xi măng. Mỗi nguyên liệu tạo nên sân nền cứng cũng cho độ nảy khác nhau nhưng chúng sẽ cao hơn so với sân đất nện. Sân nền cứng thuần xi măng sẽ có độ nảy cao hơn một chút so với khi trộn nhiều lớp.
Người chơi sẽ phải di chuyển với cường độ cao khi thi đấu trên mặt sân cứng vì tốc độ bóng bay khá nhanh. Đây cũng là mặt sân phù hợp dành cho những tay vợt với lối đánh lên lưới nên một điểm cũng sẽ kết thúc khá nhanh.
Sân Tennis cỏ tự nhiên
Sân Tennis cỏ tự nhiên là bề mặt được những người chơi quần vợt tại đất nước Anh ưa thích. Đây cũng là mặt sân được sử dụng trong giải vô địch Wimbledon. Mặt cỏ tự nhiên sẽ có ưu điểm hơn các sân khác là sẽ giảm được những chấn thương ngoài da khi té ngã. Tuy nhiên để có được một mặt sân Tennis cỏ tự nhiên đạt chuẩn thì công sức và tiền bạc phải bỏ ra rất nhiều để chăm sóc liên tục.
Sân Tennis cỏ nhân tạo
Đây là mặt sân tương tự như cỏ tự nhiên nhưng sẽ đỡ tốn công sức và tiền bạc để bảo trì hơn. Thay vì phải trồng và chăm sóc thường xuyên thì bạn chỉ cần trải một thảm có nhân tạo lên. Việc bảo trì cũng sẽ không diễn ra thường xuyên như đối với sân cỏ tự nhiên.
Sân Tennis nền thảm
Sân Tennis nền thảm thường sẽ được sử dụng trong các giải đấu phong trào. Đây là sân thường sẽ được mượn từ các nhà thi đấu các môn như bóng rổ hoặc Futsal. Sau đó, ban tổ chức sẽ cho trải thảm nền Tennis lên để làm sân thi đấu. Độ nảy và tốc độ bóng trên sân Tennis thảm sẽ nằm ở mức trung bình nên phù hợp với nhiều người chơi.
Sân Tennis nhựa tổng hợp
Đây là một loại sân được Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) khuyến khích sử dụng. Mặt sân được làm từ nhựa tổng hợp chuyên dụng và thi công với công nghệ cao su chống sốc. Với những công nghệ hiện đại đó thì việc di chuyển sẽ có được độ nảy bước chân tốt hơn và giảm được các chân thương phần thắt lưng, đầu gối, mắt cá rất hiệu quả. Tuy vậy khi thi đấu trên mặt sân này thì tốc độ và độ nảy bóng cũng sẽ có phần nhanh hơn đôi chút.
Đó là 6 loại mặt sân Tennis phổ biến nhất hiện nay. Tại Việt Nam thì nền cứng là mặt sân Tennis được sử dụng rộng rãi nhất.