Sơ lược về kỹ thuật vô lê
Những pha vô lê bóng sống trên không luôn là những siêu phẩm tuyệt đẹp trong các trận đấu. Những bàn thắng đó đem lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả cũng như người thực hiện cú vô lê đó.
Từ “vô lê” bắt nguồn từ “volée” trong tiếng Pháp. Vô lê là một kỹ thuật dứt điểm khi bóng ở trên không. Những cú sút vô lê rất khó để thực hiện khi nó đòi hỏi người chơi phải phối hợp ăn ý giữa mắt, chân và cả khả năng phán đoán, chọn điểm rơi.
Kỹ thuật vô lê đã được các cầu thủ thực hiện và cải tiến nó lên thành những động tác rất đẹp mắt. Trong đó, “xe đạp chổng ngược” hay “ngả bàn đèn” là một trong những động tác nâng cao của vô lê được xem là kỹ thuật thượng thừa trong giới túc cầu giáo. Trong bài viết này, thethaophui.vn chỉ nói về kỹ thuật vô lê cơ bản.
Các bước thực hiện cú vô lê cơ bản
Quan sát và phán đoán điểm rơi
Quan sát và phán đoán điểm rơi là bước đầu tiên để thực hiện tốt được cú vô lê. Chúng ta cần hướng mắt về phía bóng, đồng thời phán đoán điểm rơi để luôn sẵn sàng di chuyển đến vị trí thích hợp, thuận lợi cho việc dứt điểm.
Đặt chân trụ
Sau khi quan sát và chọn được vị trí thích hợp thì việc tiếp theo chúng ta cần làm đó là đặt chân trụ. Chúng ta cần đặt mũi chân trụ hướng về phía khung thành hoặc nơi cần đưa bóng tới. Việc đặt chân trụ đúng sẽ giúp chúng ta giữ thăng bằng và có được một đường bóng vô lê đạt độ chính xác cao.
Hướng mở thân người
Bước thứ 3 là mở hướng thân người. Chúng ta cần mở thân người về hướng bóng bay tới. Bóng bay từ bên phải chúng ta hướng thân người sang phải và ngược lại.
Khi thực hiện động tác dứt điểm, phần hông của chúng ta xoay tự nhiên theo hướng đi của quả bóng. Từ hướng thẳng khi quả bóng bay tới đến khi quả bóng bay theo một hướng gần vuông góc.
Duỗi mu và khóa cổ chân
Khi dứt điểm chúng ta cần duỗi thẳng phần mu và khóa cổ chân để bóng tiếp xúc đúng vào phần buộc dây giày. Việc duỗi mu là rất cần thiết để thực hiện một cú vô lê căng, mạnh và chính xác.
Điểm tiếp xúc
Có hai điểm tiếp xúc khi thực hiện cú sút vô lê, đó là điểm tiếp xúc trên bóng và điểm tiếp xúc trên chân.
- Điểm tiếp xúc trên bóng chỉ có duy nhất một điểm đó là ở phía dưới tâm bóng một chút. Nếu bạn tiếp xúc quá thấp thì sẽ là một pha phá bóng chứ không phải là dứt điểm. Còn nếu các bạn muốn đưa đường bóng lên cao hay xuống thấp thì sử dụng hướng bàn chân. Nếu muốn bóng bay lên thì bàn chân hướng lên. Ngược lại, nếu muốn bóng bay xuống thì bàn chân hướng xuống.
- Điểm tiếp xúc trên chân là phần mu bàn chân, ngay phần buộc dây giày, đây là nơi tạo ta được lực và độ chính các cao nhất cho một cú sút vô lê. Ngoài ra, các bạn còn có thể tiếp xúc bằng lòng trong tuy nhiên lực sẽ không được mạnh như ở phần mu bàn chân.
Cách vung chân
Cuối cùng đó là cách vung chân. Chúng ta vung chân như đang chém vào quả bóng tương tự như một quả phát bóng sống của thủ môn. Và phát bóng sống cũng là một bài tập rất hữu hiệu để luyện tập kỹ thuật vô lê này.
Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật vô lê
Để kỹ thuật vô lê hiệu quả nhất thì sự quyết đoán là điều cần có ở người thực hiện. Nếu chỉ chần chừ một giây thôi thì đường bóng đó sẽ vụt qua khỏi tầm dứt điểm của bạn. Quyết đoán và thực hiện động tác dứt khoát, nhanh, gọn sẽ giúp bạn có thể ghi được một siêu phẩm để đời.
Vô lê là một kỹ thuật không hề đơn giản nên việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn có khả năng phán đoán và cảm giác bóng tốt hơn, nâng cao tỉ lệ thành công khi thực hiện cú sút vô lê.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật Rabona