Trong môn bơi lội, nhiều người biết bơi nhưng lại vẫn không thể đứng nước được. Đứng nước là một kỹ thuật cơ bản nhất trong môn bơi lội. Nếu các bạn đã đứng nước được thì việc tập các kiểu bơi sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
2 bài tập giúp làm quen với việc thả lỏng cơ thể
Trước khi đi vào tập đứng nước thì các bạn nên tập 2 bài này để làm quen với việc thả lỏng cơ thể. Việc thả lỏng cơ thể khi đứng nước rất quan trọng vì nó sẽ giúp cơ thể bạn có thể dễ dàng nổi trên mặt nước hơn.
Cúi người úp mặt
Đây là bài tập đầu tiên giúp bạn có thể thả lỏng cơ thể và nổi trên mặt nước. Và các bước thực hiện bài tập này cũng khá đơn giản.
- Bước 1: Chọn một vùng có mực nước ngang ngực
- Bước 2: Lấy hơi và giữ hơi
- Bước 3: Cúi người, úp mặt và thả lỏng để cơ thể nổi tự do trên nước đến khi hết hơi
Bạn hãy cố găng thực hiện đúng bài tập này để cơ thể có thể thả lỏng và trôi tự do trên mặt nước. Lưu ý là bạn đừng cố nín thở quá lâu, chỉ cần 20 – 30 giây là được.
Nằm ngửa thả lỏng
Tiếp theo là bài tập nằm ngửa thả lỏng, bài tập này có độ khó cao hơn bài trước. Các bước thực hiện cũng không quá khó.
- Bước 1: Chọn vùng có mực nước ngang ngực
- Bước 2: Thả lỏng cơ thể, 2 chân và 2 tay, từ từ đưa cơ thể vào tư thế nằm ngửa, giữ nhịp thở nhẹ
Ở bài tập này, nếu bạn có một người đỡ dưới phần lưng của cơ thể sẽ dễ dàng để thực hiện hơn. Việc giữ nhịp thở nhẹ và đều là rất quan trọng để cơ thể nổi được trên mặt nước.
Cách đứng nước đúng kỹ thuật hiệu quả và đơn giản
Đứng nước rất đơn giản và không khó như trong tưởng tượng của bạn. Bạn đừng tự tạo ra tâm lý sợ vì nó sẽ rất khó để bạn tập kỹ thuật đứng nước nói riêng và bơi lội nói chung. Hãy cố gắng thoải mái nhất trước khi bước vào bài tập đứng nước.
Tư thế đứng và nhịp thở
Để đứng nước được thì các bạn phải sử dụng cả tay lẫn chân.
Giống như tên gọi của nó thì tư thế của bạn phải ở vị trí thẳng đứng. Nếu các bạn thực hiện ở tư thế nằm ngửa hoặc sấp thì đó là bơi chứ không còn là đứng nước.
Khi đứng nước cần giữ nhịp thở chậm, nhẹ nhàng và đều để có thể giúp cơ thể thả lỏng ít tốn năng lượng và giúp bạn đứng nước lâu hơn.
Các cách đứng nước đúng kỹ thuật
Giống như bơi thì kỹ thuật đứng nước cũng được chia thành 3 kiểu: đứng nước bằng chân ếch, đứng nước bằng chân sải và đứng nước bằng sóng thân (chân bướm).
Đứng nước bằng chân ếch
Đây là kiểu đứng nước đơn giản và ít tốn sức nhất và được ứng dụng nhiều nhất trong thực tế dù là bể bơi hay mặt nước tự nhiên.
Cách thực hiện:
- Hai tay dang rộng sang 2 bên, úp bàn tay xuống dưới và di chuyển cánh tay nhịp nhàng về phía trước và ra sau rồi thu vào trước bụng.
- Hai chân co lại và dạp duỗi ra nhịp nhàng như kiểu bơi ếch.
- Động tác chèo tay và đạp chân sẽ thực hiện luân phiên xen kẽ nhau. Chân đạp thì tay nghỉ và ngược lại.
Đứng nước bằng chân sải
Đây là kiểu đứng nước khá tốn sức những vẫn được áp dụng ở trong thực tế.
Cách thực hiện:
- Duỗi mu bàn chân và vẫy 2 chân so le nhau đều đặn và nhịp nhàng, tương tự như đạp chân bơi sải.
- Hai tay giống như mái chèo hoạt động luân phiên so le nhau, đưa ra trước rồi về sau. Bàn tay không úp, các ngón tay mở để có diện tích lớn tạo lực đẩy.
- Tay chân so le nhau, tay phải ra trước thì chân phải ra sau và ngược lại. Động tác tổng thể tương tự như đang đi bộ hoặc chạy bộ ở tốc độ chậm.
Khi thực hiện hiện động tác này đòi hỏi cổ chân bạn phải dẻo để có thể vẫy giống như đuôi cá, do đó khá tốn sức.
Đứng nước bằng sóng thân (chân bướm)
Đây là kỹ thuật đứng nước khó nhất và tốn sức nhất trong 3 kiểu. Kiểu đứng nước này thường không được áp dụng ngoài thực tế mà chỉ là bài tập bổ trợ trong việc luyện tập bơi bướm.
Cách thực hiện:
- Khép các ngón tay và ép sát 2 cánh tay vào than người.
- Mu bàn chân duỗi thẳng, 2 chân khép sát lại.
- Dùng toàn bộ thân người tạo sóng để cơ thể có thể nổi lên trên, đòi hỏi sự dẻo dai của cơ thể tương tự như bơi bướm.
Như các bước thực hiện ở trên thì có thể thấy độ khó của kiểu đứng nước này và rất tốn sức để thực hiện. Do đó, đây là kiểu hầu như không được ứng dụng trong thực tế.
Những lưu ý khi tập đứng nước
Nếu bạn là người chưa biết bơi và mới tập đứng nước thì hãy tập ở chỗ nước nông có mực nước ngang ngực. Sau khi đã quen thì bắt đầu tập ở những nơi nước sâu không thể đứng bình thường được.
Khi tập ở chỗ nước sâu, các bạn có thể sử dụng phao tay để làm quen với mức nước cũng như giúp tâm lý bạn ổn định hơn.
Trước khi tập, các bạn nên khởi động thật kĩ các cơ, khớp trên toàn bộ cơ thể để tránh tình trạng như chuột rút có thể gay nguy hiểm cho bản thân.
Các bạn hãy tập luyện tại các trung tâm bơi lội hoặc những bể bơi có người canh chừng, cưu hộ để đề phòng những tình trạng nguy cấp khi đang tập.
Và đó là một vài chia sẻ về cách đứng nước đúng kỹ thuật mà Thethaophui.vn muốn gửi đến các bạn. Hãy chăm chỉ luyện tập vì bơi lội ngoài là môn thể thao thì còn là kỹ năng cần thiết của mỗi người để giúp chúng ta an toàn hơn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn luyện tập tốt được kỹ thuật đứng nước trong boi lội.
Xem thêm: Các loại kiểu bơi phổ biến trong bơi lội