Những sơ đồ chiến thuật đặc trưng bóng đá 11 người (Phần 2)
4-3-3 có thể nói là một trong những sơ đồ thịnh hành và duy trì được sự tồn tại lâu bậc nhất trong bóng đá. Nhiều chuyên gia cho rằng 4-3-3 là sơ đồ giúp tiến gần tới sự cân bằng công-thủ nhất. Tuy nhiên, để đạt tới sự cân bằng ấy, thì đòi hỏi cũng rất cao.
Chiến thuật 4-3-3
Lịch Sử
Nói chung lịch sử của các sơ đồ bóng đá thường là một khoảng mờ, cũng bởi ranh giới giữa các sơ đôi khi không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên với 4-3-3 thì có nhiều nguồn thống nhất đội tuyển Brazil ở World Cup 1962 là đội đầu tiên sử dụng sơ đồ 4-3-3 (ít nhất là ở một giải đấu thu hút được nhiều sự chú ý). Chính xác thì họ chỉ “mô đi phê” lại sơ đồ 4-2-4 (mà cũng chính họ là những người nâng lên một tầm cao mới) bằng cách kéo một tiền đạo xuống hàng tiền vệ. Sau thành công của Brazil ở World Cup 1962, sơ đồ 4-3-3 trở nên cực kỳ thịnh hành cả ở cấp độ quốc gia lẫn CLB. Đức 1974 và Argentina 1978 đều vô địch thế giới với sơ đồ này.
Sơ đồ và vai trò các vị trí
Như tên gọi, sơ đồ 4-3-3 có bốn hậu vệ (hai trung vệ, hai hậu vệ biên), ba tiền vệ và ba tiền đạo (một trung phong, hai tiền đạo cánh). Về cơ bản thì vị trí của các hậu vệ và tiền đạo giữa các biến thể của 4-3-3 là không khác nhau nhiều; khác biệt nằm ở cách bố trí hàng tiền vệ. Có những đội chơi với một tiền vệ phòng ngự (DM), người sẽ được hỗ trợ bởi một tiền vệ trung tâm chơi rộng (CM) và một tiền vệ công (AM). Có những đội lại sử dụng hai tiền vệ trung tâm (CM) có thể dâng cao như các tiền vệ công (AM) phía trên một tiền vệ phòng ngự.
Còn một lựa chọn khác là sử dụng hai tiền vệ trung tâm chơi rộng (LM và RM) bên cạnh một tiền vệ trung tâm (CM). Tuy nhiên, lựa chọn này không phổ biến do cách bố trí như trên khiến tuyến giữa bị “tắc nghẽn”. Ngoài ra một vấn đề khác là các tiền vệ trung tâm thiếu sự chuyên môn hóa, cái gì cũng biết nhưng chẳng giỏi cái gì.
Trong sơ đồ 4-3-3, nhiệm vụ của các cầu thủ ở hàng phòng ngự không khác lắm so với các sơ đồ có 4 hậu vệ khác. Các trung vệ đều phải mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần để có thể đưa ra những quyết định chính xác và khi đã có quyết định thì thực hiện chúng một cách hiệu quả. Thời gian gần đây, các trung vệ còn phải đảm nhận thêm một trách nhiệm nữa là triển khai bóng, nên họ phải rất thoải mái khi dùng chân, có khả năng chuyền bóng tốt ở nhiều cự ly, thậm chí phải qua được người khi cần!
Hai hậu vệ biên trong sơ đồ 4-3-3 là những người hết sức quan trọng bởi họ phải quản lý một khoảng không rất lớn ở phía sau các tiền đạo cánh. Ngoài nhiệm vụ phòng ngự, các hậu vệ biên còn phải hỗ trợ tấn công. Họ chơi như những tiền vệ cánh lúc đội nhà đang kiểm soát bóng ở phần sân đối thủ, và như những tiền đạo cánh khi chính các tiền đạo cánh quyết định di chuyển vào trung lộ. Các hậu vệ biên do đó phải có tốc độ tốt để có mặt đúng lúc đúng chỗ cả khi tấn công lẫn khi phòng ngự, và sức bền tuyệt vời để có thể di chuyển với tốc độ cao như thế trong suốt cả 90 phút.
Tiền vệ phòng ngự có thể xem là cầu thủ quan trọng bậc nhất trong sơ đồ 4-3-3. Lấy ví dụ Busquets hay Jorginho. Đấy là những cầu thủ vừa hỗ trợ phòng ngự, vừa quyết định việc điều phối bóng và thậm chí còn là người đưa ra những đường chuyền cuối cùng. Những cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự trong sơ đồ 4-3-3 phải là những người đọc trận đấu rất tốt, có kỹ năng chuyền bóng xuất sắc, và kỹ thuật cá nhân thượng thừa. Còn một mẫu tiền vệ phòng ngự khác là người chỉ lo nhiệm vụ phòng ngự đơn thuần, nhưng mẫu này ngày càng hiếm.
Vai trò và vị trí của hai tiền vệ trung tâm chơi phía trên tiền vệ phòng ngự sẽ thay đổi tùy thuộc vào ý đồ chơi của từng đội bóng. Nhưng nhìn chung, nhiệm vụ chính của họ là tạo ra các kết nối, những tam giác, để duy trì kiểm soát thế trận, cung cấp bóng cho các cầu thủ tấn công ở phía trên, và hỗ trợ phòng ngự. Khi cần thiết, một hoặc cả hai tiền vệ này phải mạnh dạn lao lên để hỗ trợ cho các tiền đạo, nhận các quả trả ngược từ họ hoặc khai thác các khoảng trống mà họ tạo ra để ghi bàn.
Trung phong cũng là một vị trí khó trong sơ đồ 4-3-3. Không chỉ biết ghi bàn, anh ta còn phải có khả năng giữ bóng để chờ các đồng đội lên tham gia tấn công. Ngoài ra còn phải biết lùi xuống nhận bóng và triển khai tiếp như một tiền vệ công. Nếu giữa trung phong này và các tiền vệ không có sự kết nối thì những pha tấn công sẽ trở nên rất dễ đoán. Một nhiệm vụ quan trọng khác của trung phong là giữ chân hai trung vệ để các tiền đạo cánh có cơ hội một đối một với các hậu vệ cánh của đối thủ.
Các tiền đạo cánh trong sơ đồ 4-3-3 sẽ là năng lượng tấn công chính của đội bóng. Nhiệm vụ của họ là khá đa dạng, từ việc kéo giãn đội hình của đối phương, thực hiện những đường chuyền/tạt quyết định cho trung phong, hỗ trợ trung phong, di chuyển lôi kéo tạo khoảng trống cho các hậu vệ cánh lên chồng biên, tạo đột biến bằng cách đánh bại các hậu vệ biên của đối thủ. Cho tới việc lùi về tham gia phòng ngự. Tiền đạo cánh do đó phải là những người có tốc độ, sáng tạo, biết rê dắt, dứt điểm tốt và có thể lực, sức bền.
Ưu điểm
Ưu điểm nổi trội nhất của 4-3-3 là sự linh hoạt. Cũng là 4-3-3 nhưng mỗi HLV có thể triển khai theo một cách riêng để phục vụ từng mục đích riêng. Ví dụ để phòng ngự như Bolton của Allardyce. Để phản công như Chelsea của Mourinho. Để kiểm soát bóng như các đội bóng của Guardiola. Hay để pressing tốt hơn, như Liverpool của Klopp hiện tại.
Sự linh hoạt cũng có thể là thuộc tính của từng đội bóng, và nó có ý nghĩa quan trọng trong tấn công. Thường thì các đội chơi 4-3-3 có thể tấn công với ít nhất 5 người (3 tiền đạo, 2 tiền vệ trung tâm). Năm người này có thể thay đổi vị trí một cách linh hoạt – ví dụ tiền vệ trung tâm có thể chi chuyển (với bóng hoặc không bóng) ra biên để cùng tiền đạo cánh thực hiện các pha overlap hay underlap – khiến hệ thống phòng ngự của đối phương rối loạn.
Một điểm mạnh khác của 4-3-3 là nó giúp các đội bóng kiểm soát những khu vực trung tâm tốt hơn, nhất là trước những đội bóng chỉ chơi với 2 tiền vệ trung tâm (4-4-2 phẳng chẳng hạn). Các tiền vệ trung tâm sẽ liên tục thay đổi vị trí và mở ra nhiều không gian và lựa chọn chuyền bóng cho người có bóng. Khi cần, tiền đạo có thể giật xuống vào tạo thành một hình kim cương ở giữa sân, như Messi vẫn làm ở Barcelona, để kiểm soát và luân chuyển trái bóng còn tốt hơn nữa.
Với 4-3-3, các đội bóng chơi pressing tầm cao (high press) hiệu quả hơn, đơn giản vì số lượng cầu thủ ở gần khung thành đối phương nhiều hơn so với các sơ đồ khác, ví dụ 4-4-2. Khi press kiểu này, các đôi bóng chơi 4-3-3 sẽ cố hướng đối thủ đưa bóng vào trung lộ, bởi đó là nơi họ có ưu thế về quân số, và bởi ở đó họ tạo được các tam giác hoặc tứ giác rất khó bị vượt qua. Tiêu biểu cho điều này là Liverpool của Juergen Klopp, với cái mà chúng ta hay gọi là “bẫy pressing”.
Nhược điểm
Vấn đề lớn nhất của 4-3-3 là khoảng trống sau lưng tiền đạo cánh. Khi mất bóng, nếu các tiền đạo cánh không hoặc không kịp lùi về, hậu vệ cánh có thể bị đẩy vào tình thế ít đánh nhiều. Nếu các hậu vệ biên dâng cao và phần còn lại của hàng thủ không kịp nghiêng, đối phương có thể tấn công thẳng vào khoảng trống sau lưng họ để tạo ra các cơ hội ăn bàn. Nếu các hậu vệ biên quyết định giữ vị trí ở gần khung thành của đội nhà, giữa họ với các tiền đạo cánh sẽ là một khoảng trống lớn mà đối thủ có thể dễ dàng khai thác.
Một vấn đề khác nảy sinh từ điểm mạnh của 4-3-3 là khả năng high press. Nếu một pha gây sức ép tầm cao được thực hiện không tốt, các cầu thủ chịu trách nhiệm gây sức ép có thể bị lôi kéo, cô lập, và hậu quả là đội hình sẽ trở nên lỏng lẻo, sẽ có rất nhiều khoảng trống sau lưng tuyến pressing đầu tiên. Một ví dụ tiêu biểu là tình huống dẫn tới bàn thua của Liverpool trong trận gặp Chelsea. Mane không giữ được vị trí, hệ thống của Liverpool lập tức xộc xệch, và Chelsea dễ dàng khai thác khoảng trống ở vòng tròn giữa sân.